Camera không thể làm thay con người!
Dân trí Ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia đã trôi qua khá suôn sẻ, có thể thấy thành công bước đầu của kỳ thi có được là do sự vào cuộc quyết liệt, bài bản của cả hệ thống chính trị, quyết tâm để có một kỳ thi sạch đúng nghĩa.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa sâu sắc tới các hội đồng thi.
Trong buổi thi thứ nhất, chúng tôi được “vi hành” với lãnh đạo Bộ GD & ĐT tại một số điểm thi ở Hòa Bình. Nơi này năm ngoái là “điểm nóng” khi để xảy ra những gian lận thi cử gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Vì thế, lần này chúng tôi trở lại Hòa Bình, tâm thế có khác hơn, muốn tìm hiểu xem sau tất cả những bê bối đó, địa phương này chuẩn bị cho kỳ thi như thế nào.
Và tôi cũng không quá bất ngờ khi tại những điểm thi mà chúng tôi đến (như Trường THPT Lương Sơn, THPT Nguyễn Trãi), kỷ cương phòng thi đã được siết chặt; điểm trưởng, điểm phó điểm thi cùng lực lượng thanh tra độc lập, lực lượng công an nắm rất chắc quy chế và nhuần nhuyễn phần việc mình phải làm.
Không khí trường thi tĩnh lặng đến mức nhìn từ ngoài vào, nếu không nhìn thấy giám thị đi lại ngoài hành lang, không ai nghĩ nơi đây đang diễn ra một kỳ thi quan trọng và có quy mô lớn nhất trong năm.
So với kỳ thi THPT quốc gia khi còn thi theo cụm thi, hay xa hơn là kỳ thi “3 chung”, thì kỳ thi này đã “giảm nhiệt” thực sự. Sự mệt mỏi, áp lực của đi lại, giao thông, của nhà trọ đã không còn là nỗi ám ảnh. Kỳ thi thực sự đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nói cách khác, kỳ thi đang đi đúng “đường ray”, như kỳ vọng của cả xã hội.
Nhưng có lẽ chưa nên vội mừng về kỳ thi 2019. Vì phía trước là một khâu cực kỳ quan trọng: Khâu chấm thi.
Chúng ta còn nhớ kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quá trình chấm thi, từ đó nhiều cán bộ suy thoái, biến chất đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp thô bạo vào bài thi trắc nghiệm, dẫn đến hệ lụy khủng khiếp mà đến giờ vẫn chưa giải quyết xong.
Vì thế, để ngăn chặn phòng ngừa gian lận thi cử trong kỳ thi năm nay, ngoài phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được nâng cấp cơ bản, một loạt các giải pháp công nghệ khác đã được thực hiện.
Camera an ninh được trang bị chu đáo; cán bộ an ninh bảo vệ nghiêm ngặt khu vực chứa bài thi, tủ đựng bài thi đều được niêm phong bằng giấy dễ rách, có nhiều chữ ký trên giấy niêm phong. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo, nếu địa phương nào để xảy ra nhiều điểm phúc tra khác nhiều so với ban đầu thì Chủ tịch Hội đồng thi địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao việc chấm thi trắc nghiệm cho các trường đại học chủ trì.
Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là điều kiện cần, vì để có điều kiện đủ, thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Camera không thể thay thế con người.
Rõ ràng, khi được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm là các trường đại học, các giảng viên đại học đang gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi một vài giảng viên trước khi đến địa phương làm nhiệm vụ, họ có suy nghĩ gì về chuyến đi này thì các thầy cô đều tự tin trả lời rằng, đây không còn là trách nhiệm cá nhân mà là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm với cả xã hội.
Xã hội đang trông chờ vào họ nên họ sẽ cố gắng làm việc với trách nhiệm cao nhất, chấm thi công minh, khách quan nhất, để kỳ thi thực sự là một kỳ sát hạch có độ tin cậy cao.
Nghĩ về “sứ mệnh” của các giảng viên đại học trong quá trình chấm thi trắc nghiệm (và trong cả coi thi), một phó giáo sư đã cho rằng, đây là công việc “nặng nhọc và rất nguy hiểm”. Tôi hiểu rằng, khi nhà giáo kia đánh giá đây là công việc “nặng nhọc và nguy hiểm” là ông đã ngầm hiểu nhiệm vụ quan trọng của các cán bộ chấm thi khi “cầm cân nảy mực” bài thi.
Và không loại trừ cả “sự cám dỗ” có thể xuất hiện trong quá trình chấm thi mà các cán bộ chấm thi phải “chiến thắng vượt qua cám dỗ” để làm tròn phận sự và trách nhiệm của mình.
Vì thế chúng ta có quyền mong chờ và hy vọng vào sự công tâm khách quan của các cán bộ chấm thi, sẽ lấy lại danh dự cho kỳ thi sau những sự cố đau lòng vừa qua.
Thu Hồng